Khổng Tước Minh Vương còn được tôn xưng là Phật Mẫu Khổng Tước Đại Minh Vương, là một trong những ứng thân của Bồ Tát Quán Thế Âm thị hiện ra để diệt trừ các khổ não sợ hãi, tật bệnh tiêu trừ, ác ma lánh xa, sở nguyện tùy tâm, cát tường như ý. Những ai thường đảnh lễ trì niệm danh hiệu Ngài, thường được các hàng trời rồng Dược Xoa theo ủng hộ, ngày đêm được an lành sống lâu trăm tuổi tất cả điều xấu ác không đến nơi thân, tiêu tai giải hạn, sinh sản bình an, mưa hòa gió thuận...
Ngài thị hiện ra ngồi trên lưng Chim Công nên được gọi là Khổng Tước Đại Minh Vương có năng lực đuổi mọi tai ách, tiêu trừ nghiệp chướng, tượng trưng cho Đức Minh Vương Trí Tuệ chặt đứt hết tất cả các phiền não ác độc, sống lâu trăm tuổi, tăng long phước thọ và đem đến những điều tốt lành.
Khổng Tước Minh Vương, tiếng Phạn xưng là Maha-mayura-vidi-rajni, phiên âm là Ma Ha Ma Du Lợi Du La Diêm, dịch là Phật Mẫu Khổng Tước Minh Vương. Theo truyền thuyết Khổng Tước Minh Vương là lưu thân của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na và Đức Phât Thích Ca, là hóa thân của Đức Phật A Di Đà. Mật Giáo tôn xưng là Kim Cang Phật Mẫu hoặc là Hộ Thế Kim Cang.
Căn cứ theo Kinh Khổng Tước Minh Vương chép: “Một thuở nọ, Đức Phật tại thế, có một vị Tỳ Kheo bị rắn độc cắn, đau đớn không thể chịu được. Bấy giờ ngài A Nan đem việc này bạch với Phật. Phật bèn nói một câu thần chú, có thể trừ diệt những sự đau khổ chướng ngại, quỷ mị, độc hại, ác tật… bài chú này là Khổng Tước Minh Vương Chú”.
Ngoài ra trong Kinh còn chép về chuyện Đức Phật dạy về tiền kiếp của Ngài khi hành Bồ Tát đạo có một kiếp Ngài là Khổng Tước: “vào thời rất xa xưa ở trong núi tuyết có con chim Khổng Tước lôngmàu vàng kim, thường ngày thanh tịnh trì tụng bài chú này rất là siêng năng tinh tấn, vì vậy luôn luôn được thần chú bảo hộ bình yên an ổn, không ai có thể săn bắt nó được.
Một hôm Khổng Tước vì tham mê ái dục, cùng với rất nhiều con chim khổng tước mái đi dạo chơi ở một khu rừng núi rất xa, mãi vui chơi nên Khổng Tước quên mất trì chú, vì vậy mà bị thợ săn bắt được, lúc bị bắt nó hồi phục được chánh niệm, liền trì tụng thần chú, cuối cùng thì thoát khỏi được sự vây bắt của thợ săn, được tự do bay về núi của mình...”. Đây là điển tích do Đức Phật khai thị để cho chúng ta biết sự có mặt của Khổng Tước Minh Vương và thần chú Khổng Tước Minh Vương Đà La Ni.
Khổng Tước Minh Vương được dự vào hàng đại thánh của Mật Giáo, có rất nhiều truyền thuyết. Chuyện xưa kể rằng, Khổng Tước Minh Vương vốn là con Khổng Tước đầu tiên của thời khai thiên lập địa, qua suốt mấy ngàn năm ngày đêm tu hành khổ luyện thành tựu phép Ngũ sắc thần quang, sau đó được Ngài Chuẩn Đề Bồ Tát hóa độ, Khổng Tước phát nguyện theo Bồ Tát Chuẩn Đề tu hành và làm bảo tọa cho Ngài ngồi, để đền đáp công ơn hóa độ.
Khổng Tước Minh Vương được xưng là Phật Mẫu, Truyền thuyết Mật Giáo kể rằng, khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo, Khổng Tước nuốt Đức Phật vào trong bụng, sau đó lưng của Khổng Tước Minh Vương nứt ra, Đức Phật Thích Ca hiện ra ngồi trên lưng của Khổng Tước, vết nứt liền lại, vì vậy Khổng Tước được xưng là Phật Mẫu Đại Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát.
Bảo tướng của Khổng Tước Minh Minh Vương trong Mật Giáo, thường hiện thân một vị Bồ Tát có bốn tay, ngồi trên lưng của con chim Khổng Tước (con Công) vì vậy nên gọi là Khổng Tước Minh Vương, gọi đủ theo Minh Vương bộ của Mật Giáo là Phật Mẫu Đại Kim Cang Diệu Khổng Tước Minh Vương.
Hình Tượng của Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát, trong bốn tay của Bồ Tát có trì bốn pháp bảo gồm có, Liên hoa, Cụ duyên quả, Cát tường quả, Lông chim Khổng Tước. “Liên hoa” tượng trưng cho kính ái, “Cụ duyên quả” tượng trưng cho sự điều phục, “Cát tường quả” tượng trưng cho sự tăng ích lợi, “lông chim Khổng Tước” tượng trưng cho sự trừ tai ách, diệt khổ nạn.
Tượng Bồ Tát Khổng Tước còn một thân tướng nữa, thường được tôn trí trong Đàn thành Thai Tạng Giáo, Mạn Đà La. Trong Đàn Thành Mạn Đà La, Bổn tôn Khổng Tước Minh Vương Bồ Tát là lưu thân của Đức Phật Tỳ Lô Giá Na, nên nhiếp thọ và cụ túc hai đức từ bi và trí tuệ, Tôn tượng Bồ Tát thường ngồi trên hai loại tòa hoa sen, nếu là ngồi trên hoa sen trắng tức biểu thị cho cho sự nhiếp thu bổn thệ từ bi, ngồi trên hoa sen xanh, là biểu thị ý tướng hàng phục.